Thanh Xuân | |
Thanh Phương |
Sản phụ sốt ruột chờ mổ, bác sĩ không được tắm vì mất nước
Ngày: ( 01-10-2015 - 12:42 AM ) - Lượt xem: 1339
Tất cả các ca mổ chủ động ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải tạm dừng, hơn 1.000 bác sĩ, cán bộ bệnh viện không được tắm vì thiếu nước sạch.
Như tin đã đưa, ngày 29.9, 4 ngày sau sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 15, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội) đã hết nước dự trữ.
Trưa 30.9, nước sạch tại một số khu điều trị của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn chảy nhỏ giọt.
TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, bệnh viện phải dừng tất cả các ca mổ chủ động, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu. Nhiều ca mổ cấp cứu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao vì thiếu nước sạch.
Đêm cùng ngày, Xí nghiệp nước sạch Đống Đa đã hỗ trợ Bệnh viện 5 xe stec nước và lắp thêm máy bơm hút tăng áp vào bệnh viện.
Sáng 30.9, tình trạng thiếu nước sạch ở Bệnh viện Phụ sản HN đã được cải thiện.
Tuy nhiên, một số khu điều trị vẫn chưa có nước. Nhiều sản phụ ở phòng chờ đẻ như “ngồi trên đống lửa” khi biết thông tin bệnh viện dừng các ca mổ chủ động.
Khuôn mặt lo lắng, chị Phạm Thị Hiền (37 tuổi, Khu gang thép, Tp Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi đã nhiều tuổi và có tiền sử một số bệnh, các bác sĩ chỉ định đẻ mổ. Thai đã đến tuần đẻ mổ nhưng bệnh viện đang mất nước nên phải chờ đợi. Theo lịch là hôm nay mà tôi vẫn chưa được hẹn vào giờ nào”.
Hai tay xách can nước đi bộ lên tầng 5, anh Thạo (38 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) mệt mỏi nói: “Vợ tôi nhập viện chờ đẻ từ hôm kia, phòng gần nhà vệ sinh không có nước giội, bốc mùi kinh khủng. Vợ tôi mất ngủ đã hai đêm nay, cứ tiếp tục thế này, tôi sợ cô ấy không đủ sức để đẻ thường”.
Hàng trăm sản phụ, người bệnh tại đây đang rất lo lắng vì tình trạng thiếu nước của bệnh viện.
Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây không phải lần đầu tiên bệnh viện thiếu hụt nước sạch. Tình trạng trên đã xảy ra nhiều lần sau mỗi sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.
“Do đặc thù công việc, thông thường các bác sĩ, y tá khi tan ca phải tắm rửa, tẩy trùng đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm mầm bệnh ra bên ngoài. Tuy nhiên, từ sau sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 15 (ngày 26.9 – PV), Ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo, yêu cầu tất cả bác sĩ, y tá, cán bộ công nhân viên không được tắm, giặt tại bệnh viện để tiết kiệm nước phục vụ công tác mổ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân”, bà Nguyệt cho hay.
Theo bà Nguyệt, tình trạng thiếu nước đã được cải thiện nhưng lượng nước hiện nay vẫn không đủ cho nhu cầu hoạt động của bệnh viện.
Phóng viên ghi nhận những hình ảnh thiếu nước sạch tại bệnh viện:
Người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải mua nước đóng chai về để rửa mặt, ăn uống.
Các xô, chậu... tích nước xếp la liệt dưới gầm giường bệnh.
Chị Quách Thị Hiền (36 tuổi, một sản phụ chờ sinh) cho biết, mất nước khiến việc sinh hoạt của các bà bầu gặp rất nhiều bất tiện. Nhiều khi đi vệ sinh xong không có nước giội, bốc mùi ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Đưa vợ lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được 2 ngày, anh Thạo (quê Ứng Hòa, Hà Nội) ngày nào cũng phải đi mua nước về để cho vợ ăn uống, rửa mặt. "2 ngày nay tôi chưa được tắm, ngứa ngáy rất khó chịu. Bát ăn xong cũng chưa có nước rửa, phải để ở gầm giường chờ mang về quê rửa", anh Thạo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Loan vào viện chăm sóc con gái đi đẻ, nhưng mất nước nên bà phải đi mua nước đóng chai về sử dụng. Đứng bên ngoài phòng chờ sinh nhìn con gái nằm ngủ, bà chia sẻ: "Tôi chỉ mong con gái được mổ đẻ sớm để về nhà. Ở đây mấy ngày rồi không có nước tắm giặt, đi vệ sinh rất bất tiện".
Tại Bệnh viện 198 (Cầu Giấy, Hà Nội), tình trạng mất nước kéo dài cũng khiến công tác khám - chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ phải đi xách từng can nước dưới bể ngầm của bệnh viện để phục vụ cho các ca mổ cấp cứu.
Bà Nguyễn Thị Phương (70 tuổi, Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xách nước chăm con trai bị tai nạn đang điều trị trong Bệnh viện 198. Bà cho biết, nếu tình trạng mất nước còn kéo dài bà sẽ làm giấy xin xuất viện sớm cho con trai để được về nhà.